« Quay lại

Cà Mau : Lúa hè thu bị thiệt hại nặng

Cập Nhật

Nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương mở tất cả các cửa cống tháo nước để người dân thu hoạch lúa hè thu bị sập chìm trong nước do ảnh hưởng cơn bão số 3. Hiện nay giá lúa trên thị trường vẫn ở mức thấp, giá nhân công tăng cao, chi phí phát sinh nhiều làm nông dân sản xuất vụ lúa hè thu bị lỗ vốn.

Giá nhân công cao gấp 2,5 lần so với máy gặt

“Lúa sập, ngập nước làm cho máy gặt đập liên hợp không thể thu hoạch được lúa. Không ít nông dân phải thuê nhân công gặt lúa về nhà để suốt. Chi phí thu hoạch tăng gần 1 triệu đồng/công, thay vì từ 300.000 - 350.000 đồng/công nếu lúa không bị sập và ngập nước. Và dù có thu hoạch được lúa thì nông dân cũng thiếu điều kiện phơi sấy”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết, những năm gần đây thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp nên lượng máy suốt ở địa phương còn rất ít và khan hiếm trong lúc thiên tai. Giá công cắt và suốt lúa cao gấp 2,5 lần so với máy gặt nhưng vẫn không tìm ra nhân công thu hoạch lúa. Anh Tuấn than thở: “Chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch, vậy mà giờ lúa bị sập chìm trong nước. Thành quả lao động trong mấy tháng trời gần như mất trắng. Bây giờ đành thu hoạch vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu để bù đắp lại phần nào vốn đầu tư”.

Ông Phan Văn Tre, ấp 3, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, xót xa: “Mưa liên tục làm lúa sập nằm trong nước hơn 1 tuần mới thuê được nhân công thu hoạch. Khi thu hoạch xong không thể phơi lúa. Lúa ướt quá thì thương lái không mua. Trời mưa liên tục làm cho lúa bị lên mọng và ẩm mốc”.

Theo ghi nhận của phóng viên, lúa sập, ngập nước lâu ngày không thể thu hoạch được bằng máy gặt đập liên hợp mà phải thu hoạch thủ công. Từ đó khan hiếm nhân công, giá công cắt lúa từ 500.000 - 700.000 đồng/công tầm lớn, tuỳ theo mức độ sập của lúa. Sau khi chở lúa bó về sân, còn phải mướn máy suốt lúa từ 15.000 - 20.000 đồng/bao loại 50 kg hoặc suốt 100 bao chủ máy ăn công 4 bao.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn cho biết, đến nay hầu hết diện tích lúa hè thu trên địa bàn xã đã được người dân thu hoạch dứt điểm, năng suất đạt khoảng 5,2 tấn/ha, người sản xuất có lãi khoảng 30%. So với các địa phương khác, diện tích lúa hè thu bị sập, ngập nước do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn xã không nhiều, do có sự chủ động sản xuất vụ mùa từ rất sớm nên hầu hết diện tích lúa hè thu đều được bà con sạ khô, thu hoạch trước bão số 3.

Thu hoạch sớm, người dân bán lúa được giá cao hơn so với thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, nông dân nên hạn chế sạ khô do năng suất lúa đạt không cao, chỉ sạ khô những nơi có điều kiện thuận lợi như mặt đất ruộng phải bằng phẳng, ít cỏ dại và có hệ thống thuỷ lợi tiêu úng, xổ phèn và có lượng nước tưới bổ sung khi cần thiết.

Khắc phục thiệt hại

Trước những ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh cho biết, sở cử nhiều đoàn cán bộ xuống địa bàn thống kê lại diện tích lúa, cá, hoa màu bị ngập nước. Từ đó chỉ đạo người dân be bờ, khẩn trương bơm tát nước, huy động hết lượng máy gặt đập liên hợp của địa phương và nhân công thu hoạch nhanh lượng lúa hè thu bị ngã ngập nước nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Ðến nay, hầu hết diện tích lúa bị ngập úng đã được thu hoạch xong. Tuy nhiên, thiệt hại do thất thoát và khâu bảo quản sau thu hoạch là rất lớn, chưa có thống kê cụ thể.

Ðược biết, vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh xuống giống trên 36.300 ha, đến nay thu hoạch được hơn 21.000 ha. Hầu hết diện tích lúa hè thu còn lại đều bị ảnh hưởng bão số 3. "Nếu những ngày tới tiếp tục mưa thì thiệt hại sẽ gia tăng", ông Nguyễn Văn Tranh nhận định./.

Bài và ảnh: Trung Ðỉnh (Báo Cà Mau)

05
10
05
hình 5
hình 4
Hình 3
Hình 2
Hình 1